Thứ 5, ngày 1 tháng 5 năm 2025
banner
Kỹ năng nghề nghiệp của đấu giá viên
4-4-2022
Hiện nay, hoạt động bán đấu giá chủ yếu do đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp thực hiện. Đấu giá viên là một chức danh bổ trợ tư pháp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP).
Trong quá trình hành nghề đấu giá, có những hoạt động chỉ mình đấu giá viên trực tiếp thực hiện, có hoạt động đấu giá viên giữ vai trò chính, hướng dẫn và phối hợp với chuyên viên khác cùng thực hiện. Có thể nói đấu giá viên giữ vai trò vị trí trung tâm, vai trò nòng cốt trong hoạt động bán đấu giá. Mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành và đấu giá viên là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc bán đấu giá. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đấu giá viên cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và những kỹ năng nghề nghiệp.
Trước hết, để điều hành tốt cuộc bán đấu giá thì đấu giá viên ngoài trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nào đó. Đây là những kiến thức bắt buộc phải có đối với bất kỳ ai hoạt động nghề nghiệp trong xã hội nói chung và hoạt động trong nghề đấu giá nói riêng khi thực hiện công việc. Kiến thức về kỹ năng nghiệp vụ trong một lĩnh vực công tác cụ thể là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của mỗi người. Bán đấu giá tài sản là một dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, có liên quan tới rất nhiều lĩnh vực pháp luật, có tính chất nghề nghiệp chuyên biệt nên đòi hỏi đội ngũ đấu giá viên phải có kiến thức nghiệp vụ vững vàng. Vì vậy, để góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của đội ngũ đấu giá viên, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên và quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề đấu giá so với các quy định trước đây. Theo đó, tại Điều 5, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá. Đấu giá viên phải hoạt động trong một tổ chức bán đấu giá chuyện nghiệp. Trong quá trình làm việc, đấu giá viên cần phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật, tích luỹ kiến thức về kỹ năng nghiệp vụ bằng cách tự học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm thông qua trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp cũng như qua thực tiễn hoạt động bán đấu giá. Để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nghiệp vụ, ngoài trình độ chuyên môn, đấu giá viên cần có sự hiểu biết rộng rãi về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Ví dụ như am hiểu về thị trường bất động sản; tình hình kinh tế, xã hội của địa phương nơi có bất động sản; thị trường xe ô tô, xe máy; đặc tính của một số loại tài sản cụ thể ... Điều này giúp ích cho đấu giá viên khi quy định bước giá và lựa chọn hình thức bán đấu giá sao cho phù hợp với từng loại tài sản.
Bên cạnh đó, để tiến hành hoạt động nghề nghiệp của mình, đấu giá viên cần được trang bị và rèn luyện những kỹ năng cơ bản. Kỹ năng nghề nghiệp của đấu giá viên là khả năng vận dụng thành thạo và khéo léo tất cả những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất với mức chi phí thấp nhất cả về thời gian, công sức và kinh tế. Kỹ năng nghề nghiệp của đấu giá viên được biểu hiện cụ thể trên nhiều mặt, được chia thành 2 nhóm: nhóm kỹ năng chung và nhóm kỹ năng cụ thể.
Kỹ năng chung là những thao tác, hành vi được thực hiện theo từng giai đoạn của một cuộc bán đấu giá: trước, trong và sau cuộc bán đấu giá. Để đảm bảo tính chặt chẽ về nghiệp vụ cũng như tính hợp pháp của hành vi, văn bản được xác lập, đấu giá viên không được phép bỏ qua bất kỳ thao tác nào trong từng giai đoạn.
Thứ nhất, kỹ năng tiến hành các hoạt động trước khi đấu giá gồm: tiếp nhận yêu cầu bán đấu giá, nghiên cứu hồ sơ và tư vấn cho khách hàng; ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản; soạn thảo nội quy, quy chế, lập hồ sơ bán đấu giá; niêm yết, thông báo bán đấu giá tài sản; tổ chức trưng bày, xem tài sản bán đấu giá; tổ chức đăng ký tham gia đấu giá.
Thứ hai, kỹ năng tiến hành cuộc bán đấu giá chính là nghệ thuật điều hành cuộc bán đấu giá của đấu giá viên. Đấu giá viên phải là người giữ vai trò chủ đạo, khéo léo dẫn dắt những người tham gia đấu giá, khuyến khích họ trả giá, tạo không khí sôi nổi cho cuộc bán đấu giá.
Thứ ba, kỹ năng tiến hành các hoạt động sau khi đấu giá gồm: soạn thảo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá; xử lý khoản tiền đặt trước; tổ chức giao tài sản và thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài sản đã đấu giá thành.
Kỹ năng cụ thể là các kỹ năng bán đấu giá một số loại tài sản nhất định. Đây là những thao tác, hành vi mà đấu giá viên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bán đấu giá từng loại tài sản cụ thể như: bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự, tài sản bảo đảm, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính v.v… Để việc bán đấu giá từng loại tài sản cụ thể đạt hiệu quả, đấu giá viên phải sử dụng tốt các kỹ năng chung kết hợp với sự hiểu biết về tính đặc thù của từng loại tài sản, quy định của pháp luật về tài sản đó, từ đó tạo ra những kỹ năng chuyên biệt phù hợp với từng trường hợp bán đấu giá. Các kỹ năng cụ thể đem lại sự linh hoạt trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Mặc dù pháp luật về bán đấu giá tài sản quy định thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá nhưng không thể áp dụng quy trình tuyệt đối giống nhau cho từng trường hợp bán đấu giá đối với từng loại tài sản cụ thể vì mỗi loại tài sản đều có thể sẽ chịu sự điều chỉnh của một hoặc nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Như đối với trường hợp bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự thì ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bán đấu giá theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do mỗi loại tài sản có những văn bản điều chỉnh chuyên biệt nên việc xử lý tài sản có thể khác nhau; hồ sơ tiếp nhận khác nhau; điều kiện tham gia đấu giá cũng có thể khác nhau …
Trong bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nghề đấu giá nước ta có những triển vọng, cơ hội phát triển và đồng thời đối mặt với những thách thức nhất định. Đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội đòi hỏi đấu giá viên phải luôn có ý thức học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt: Rèn luyện phong cách tư duy khoa học, xây dựng cho mình phương pháp làm việc khoa học, có kế hoạch, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt; luôn cầu thị thông qua trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các đồng nghiệp... Nếu không thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật, tri thức và kỹ năng nghề nghiệp thì đấu giá viên sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả công việc.

Số lượt xem:661

 

TRANG THÔNG TIN CÔNG TY ĐẤU GIÁ HỢP DANH TÂY NGUYÊN KON TUM
Địa chỉ: 40 Bùi Xuân Phái, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại:02603.934.555 hoặc 0836.157.145; Email: daugiataynguyencnkt@gmail.com.
TNC Phát triển: